Share

Vương Quốc Chè Cổ

Chè Tuyết Shan Tủa Chùa

Người H’mông ở xã Sín Chải huyện Tủa Chùa đang sở hữu một rừng trà cổ thụ được đánh giá đẹp nhất, to nhất, sống dày đặc nhất nếu so sánh với tất cả các vùng chè cổ khác trong cả nước.

Sau một đêm ngây ngất với men rượu Mông Pê, với phong vị ẩm thực độc đáo cùng những câu chuyện đời sống của người Xạ Phạng ở Tả Sìn Thàng, sớm hôm sau, chúng tôi trở dậy thật sớm để tiếp tục chinh phục nốt chặng đường gian nan khác dài chưa đầy 10km để đến được vùng tập trung cây chè cổ thụ nhiều nhất ở Tủa Chùa – nơi mà rừng chè cổ đẹp đến nỗi tưởng rằng chỉ có trong huyền thoại.

Vùng chè cuối con đường ấy chính là bản Hấu Chua, chỉ vài lối mòn băng qua ngọn đồi nhỏ kế cận là ranh giới của tỉnh Lai Châu và Sơn La. Chúng tôi kinh ngạc trước những thân chè cổ thụ gốc to hai người ôm, mọc san sát cách nhau vài mét, cao cả chục mét, từng búp chè một tôm hai lá mập ú, lá bánh tẻ dày cứng, xanh mướt biểu hiện một sức sống khỏe khoắn, phát triển mạnh trước tự nhiên. Nhất bảo: “Đây là vùng chè cổ có năng suất khá nhất của Tủa Chùa, do sinh trưởng ở độ cao, mây núi che phủ suốt ngày nên cây chè phát triển mạnh mà không hề tốn công chăm sóc. Nhiều thời điểm chè phát triển nhanh quá người dân thu hoạch không kịp, phải chặt cắm cành làm bờ rào ngăn gà vịt vào vườn phá hoa màu”.

Những ông “vua” chè Cổ Thụ Tủa Chùa

Có được vườn chè cổ hàng trăm năm tuổi, với người H’mông ở Tủa Chùa, đó là một tài sản vô giá. Vườn chè của Hạng A Chư ở bản Hấu Chua – nơi có cây chè cổ thụ to nhất vùng Tủa Chùa với gốc to đến 3 người ôm – cũng chính là bản doanh của ông vua chè cổ đầu tiên mà chúng tôi diện kiến. A Chư tâm sự: “Nghe ông nội kể lại cây chè cổ trong vườn nhà tính đến thời mình là đã giữ được 8 đời rồi đấy, còn trước đấy nữa thì ôi thôi, không có biết đâu”.

Ở bản Hấu Chua, hầu như nhà nào có ít cũng vài ba gốc chè cổ thụ mọc ngay sát hiên nhà, A Chư lý giải thêm: “Chè ở Hấu Chua mình ngày xưa nhiều lắm, nhiều như cây ngô trên nương đấy. Cái năm 82, mình đi quân dịch về, nhìn dân bản đang thay phiên nhau chặt cây chè cổ lấy đất trồng khoai sắn, mình ra sức cản thì dân bản đã phá mất 2/3 rừng chè cổ rồi. Mình phải nói cho bà con hiểu là cây chè này quý lắm,cứ để trong vườn, mùa màng không có gì nữa thì vẫn còn cây chè để sống, ai không muốn giữ cây chè thì bán lại cho A Chư, bao nhiêu cũng mua hết. Nhờ vậy mà A Chư có nhiều cây chè cổ, và Hấu Chua giữ được số lượng chè cổ nhiều như hôm nay đấy”.

Chúng tôi đi tiếp đến bản Trình cũng thuộc Xín Chải, vào vườn chè của Thào A Cùa để xem cây chè cổ được bình chọn đẹp nhất vùng, gốc to, cành đẹp và đều như một cây Bonsai hoàn chỉnh. A Cùa đầy tự hào khoe: “Chẳng biết ai trồng cây chè này cả, bé đến lớn đã thấy nó rồi, cứ hái thế thôi, chẳng chăm sóc gì đâu, tự nó lớn ra búp thì hái, một năm hái đến 3 – 4 lần, mỗi lần toàn trên 20kg chè tươi đấy”. Nhà A Cùa cũng được xếp vào hạng to nhất bản, với đủ tiện nghi chẳng kém gì nhà ở miền xuôi, A Cùa không giấu giếm: “Có được cơ ngơi này là nhờ những gốc chè cổ thụ cả đấy”.

Nguồn: Lâm Phong Con đường trà Việt

Leave a Comment