-
Tuần văn hóa và du lịch huyện Tủa Chùa năm 2022 - 07/10/2022
-
Chuối hột rừng và công dụng chữa bệnh hiệu quả không ngờ - 04/08/2022
-
Táo Mèo khô vị thuốc từ thiên nhiên - 04/08/2022
-
Top 10 đặc sản Điện Biên làm quà chuẩn nhất - 01/08/2022
-
So sánh hạt óc chó với hạt macca - 01/08/2022
-
6 lợi ích của hạt mắc ca đối với sức khoẻ - 01/08/2022
-
Tác dụng và hàm lượng dinh dưỡng của hạt Mắc ca Điện Biên - 01/08/2022
-
Chè Shan tuyết Tủa Chùa (Điện Biên) được công nhận là cây di sản Việt Nam - 03/04/2022
-
Gạo Séng Cù Điện Biên Nức tiếng vùng đất Mường Thanh - 30/06/2021
-
Công ty CP Giống Nông Nghiệp Điện Biên đối tác tin cậy của người nông dân - 10/06/2021
Tiềm năng và các lợi thế đầu tư
Etiam quis varius risus, in cursus sem. Morbi ac felis fringilla lorem rhoncus vehicula. Integer imperdiet vestibulum mi, aliquam gravida ligula condimentum at.
I- TỔNG QUAN VỀ ĐIỆN BIÊN
Điện Biên là tỉnh miền núi cao, biên giới; có diện tích tự nhiên rộng 9.562,9km2; 50% diện tích có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển; 70% diện tích có độ dốc 25 độ trở lên. Địa hình chia cắt có nhiều sông suối, là vùng đầu nguồn của sông Đà, sông Mã và sông Mê Công. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Điện Biên có đường biên giới chung với 02 quốc gia là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (trong đó: tiếp giáp với Lào dài 360km, Trung Quốc dài 40,861km). Trên tuyến biên giới Việt – Lào có các cặp cửa khẩu đó là: cửa khẩu quốc tế Tây Trang – Pang Hốc, cửa khẩu chính Huổi Puốc – Na Son và và 03 cửa khẩu phụ khác. Trên tuyến biên giới Việt – Trung hiện đã có lối mở A Pa Chải – Long Phú, hai tỉnh Điện Biên (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) cùng thống nhất sẽ nâng cấp thành cửa khẩu chính trong tương lai gần.
Điện Biên nằm cách thủ đô Hà Nội 500km theo đường bộ, có cảng Hàng không Điện Biên đi Hà Nội và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay quốc tế tới một số nước trong khu vực như: Lào; Cam Pu Chia, Myanma.
Tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện với 130 xã, phường, thị trấn (trong đó có 01 huyện mới chia tách theo Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ vào cuối năm 2012). Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2012 là 523.030 người, gồm 19 dân tộc, trong đó: Dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 37,99%, tiếp đến là dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,42%, dân tộc Khơ Mú 3,3%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Hà Nhì, Hoa, Kháng… Các dân tộc ở Điện Biên có những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào khu vực Tây Bắc.
Điện Biên là tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc).
II. TIỀM NĂNG LỢI THẾ CHỦ YẾU CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN
1. TIỀM NĂNG VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ
* Dịch vụ du lịch: Điện Biên là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng: Du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Đặc Biệt, với cụm di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển du lịch.
Cùng với đó là các vùng sinh thái tự nhiên khá lớn để phục vụ và phát triển du lịch, như: Hồ Pa Khoang, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa, các điểm suối khoáng U Va, Hua Pe (Điện Biên), bản Sáng (Tuần Giáo), hồ thủy điện Sơn La… Bên cạch đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiêu biểu là các di tích như: Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ, Đền thờ Hoàng Công Chất… Đây là những tiềm năng quý để khai thác và phát triển dịch vụ du lịch.
Đặc biệt Điện Biên có một nền văn hóa đa dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch (tại Điện Biên có 19 dân tộc anh em chung sống). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc như: thiết chế Bản mường của người Thái dựa trên lãnh thổ công, thiết chế dòng họ của người H’Mông…; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và trong tín ngưỡng, hội hè của mỗi dân tộc, cùng với những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng cao Tây Bắc… là những tiềm năng lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn rất hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Thêm vào đó, tinh thần mến khách và lòng nhiệt thành của con người Điện Biên cũng là nền tảng vững chắc cho ngành du lịch phát triển.
Bên cạnh các tiềm năng du lịch trong nội tỉnh, với vị trí địa lý khá đặc biệt, Điện Biên có thể mở rộng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước, đặc biệt là liên kết các tuyến du lịch quốc tế. Hiện các Công ty du lịch của các tỉnh trong khu vực đã có các cuộc khảo sát cho các tuyến: Vân Nam – Điện Biên – Luông Pha Bang – Phoong Sa Ly; Điện Biên – Luông Pha Bang – tỉnh Nan; U Đôm Xay – Điện Biên – Hạ Long – Hà Tĩnh; Vân Nam – Sa Pa – Điện Biên – Hạ Long…
* Dịch vụ xuất nhập khẩu:
Điện Biên nằm ở ngã ba biên giới giáp cả 2 nước Lào và Trung Quốc; trên tuyến biên giới Việt – Lào đã mở cửa khẩu quốc tế Tây Trang – Xốp Hùn và cửa khẩu chính Huổi Puốc – Na Son; trên tuyến biên giới Trung Quốc có lối mở A Pa Chải – Long Phú, hiện đang hoàn tất thủ tục để khai thông cửa khẩu với quy mô là cửa khẩu quốc gia.
Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục, chính là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.
2. TIỀM NĂNG VỀ ĐẤT ĐAI
Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên là 956.290ha. Trong đó, đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp của Điện Biên có 711.230,9ha chiếm 74,37% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; gồm đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp là 120.359ha, chiếm 12,58% diện tích đất tự nhiên; đất lâm nghiệp là 590.031ha, chiếm 61,7% diện tích đất tự nhiên (trong đó diện tích đất có rừng khoảng 401.000ha chiếm 44% diện tích đất tự nhiên); đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 778ha, chiếm 0,08% diện tích đất tự nhiên. Đất chưa sử dụng của Điện Biên còn rất lớn với 225.594ha, chiếm 23,6% tổng diện tích đất tự nhiên, cùng với khoảng189.000ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, song hầu hết là đất dốc chỉ thích hợp để sản xuất lâm nghiệp nhưng được xác định là nguồn tài nguyên quý giá, một thế mạnh cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Vườn cao su Điện Biên.
3. TIỀM NĂNG VỀ SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP
Bên cạnh diện tích đất chưa sử dụng lớn, với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại nông, lâm sản hàng hóa có giá trị kinh tế như lúa gạo đặc sản ở cánh đồng Mường Thanh; ngô, đậu tương ở Tuần Giáo, chè tuyết shan ở Tủa Chùa, Pú Nhi – Điện Biên Đông, Mường Phăng – Điện Biên, cà phê ở Điện Biên, Mường ảng, chăn nuôi đại gia súc khu vực có diện tích đất rộng như Mường Nhé, Si Pa Phìn, huyện Mường Chà. Phát triển rừng sản xuất với các loại cây cao su, thông, cọ khiết, nguyên liệu gỗ ván dăm, bột giấy với diện tích quy hoạch 289 ngàn ha. Đặc biệt khu vực bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé với diện tích rừng nguyên sinh còn khá lớn với các loại động vật và thực vật còn phong phú là tài nguyên quí để bảo tồn và xây dựng hình thành vườn quốc gia tại khu vực này. Đây là những lợi thế để khai thác, phát triển nền nông nghiệp đa dạng (nông nghiệp, chăn nuôi, cây công nghiệp, trồng rừng) với chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến.
4. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
* Công nghiệp khai khoáng: Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng về chủng loại; một số loại khoáng sản có chất lượng tương đối, trữ lượng cho phép khai thác với quy mô nhỏ như: Than, quặng sắt, quặng bôxít, đồng, chì và các loại đá làm vật liệu xây dựng… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xác định được 32 điểm quặng sắt và kim loại, 14 điểm mỏ than trong đó có 2 điểm đã được đánh giá trữ lượng cấp C1 và nhiều điểm khoáng sản VLXD, nước khoáng… nhưng chưa được thăm dò đánh giá sâu về trữ lượng và chất lượng.
Hiện đã có một số dự án được cấp phép thăm dò, khai thác như: Dự án thăm dò và khai thác sắt ở Chiêu Ly, đồng ở Huổi Sấy – Mường Chà; vàng ở Phì Nhừ – Điện Biên Đông; chì kẽm ở Mùn Chung – Tuần Giáo. Các loại khoáng sản khác như than ở khu vực huyện Điện Biên, nhôm sắt ở Phình Sáng – Tuần Giáo có số liệu khảo sát sơ bộ khá triển vọng.
* Tiềm năng thủy điện: Nguồn nước mặt ở Điện Biên tập trung theo 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Do đặc điểm địa hình, độ dốc dòng chảy lớn, lưu lượng dòng chảy mạnh nên có tiềm năng thủy điện khá phong phú và đa dạng về quy mô.
Đây là tiềm năng để xây dựng phát triển các công trình thủy điện kết hợp với khai thác thủy lợi, cung cấp nguồn điện cho điện lưới quốc gia và tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, đã có một số công trình thủy điện nhỏ và vừa được đầu tư xây dựng, song tiềm năng về thủy điện của tỉnh vẫn còn tương đối lớn nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát lập dự án đầu tư.
Hiện nay tỉnh Điện Biên đã hoàn tất việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ (Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 25/01/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Điện Biên đến năm 2020).
* Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản:
Với điều kiện thuận lợi về đất đai cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp cùng với hệ thống giao thông được nâng cấp hoàn thiện sẽ là những cải thiện đáng kể để nâng cao lợi thế cạnh tranh của Điện Biên trong quá trình phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản với các dự án tiềm năng như: Dự án chế biến gạo đặc sản xuất khẩu gắn với canh tác trên cánh đồng Mường Thanh, chế biến các sản phẩm từ gỗ gắn với phát triển rừng nguyên liệu, chế biến nông sản khác như chè, cà phê, cao su…
5. LỢI THẾ SO SÁNH
Điện Biên là một trong hai tỉnh trong cả nước có đường biên giới với 2 quốc gia, với vị trí thuận lợi, nằm ở ngã ba biên giới giáp cả 2 nước Lào và Trung Quốc; trên khu vực biên giới Việt Lào đã mở cửa khẩu quốc tế Tây Trang – Pang Hốc (Xốp Hùn), cửa Khẩu Huổi Puốc – Na Son; biên giới Việt Trung có cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú với quy mô là cửa khẩu Quốc gia là điều kiện thuận lợi để Điện Biên trở thành điểm đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh phía Bắc Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường các tỉnh Bắc Lào và khu vực Tây Nam Trung Quốc, Myanmar.
Bên cạnh tuyến đường quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp, Điện Biên là tỉnh duy nhất ở khu vực miền núi phía Bắc có sân bay được quy hoạch là sân bay quốc tế tiểu vùng. Hiện đang khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên, Hà Nội Điện Biên với tần suất 2 chuyến/ngày. Đất đai trù phú và đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào với số người lao động trong độ tuổi chiếm trên 58% dân số của tỉnh.
III. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT – XH CỦA TỈNH
1. Kết quả đạt được:
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 11,62%/năm, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng xác định. Đến năm 2012 GDP bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 813 USD, tăng 32% so với năm 2010 (617 USD/người/năm). Lương thực bình quân đạt 442kg/người/năm, ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực trên địa bàn, bước đầu đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: Gạo Điện Biên, ngô, đậu tương…
Tiềm năng cho phát triển các ngành công nghiệp bước đầu được khai thác với các dự án đầu tư như: Nhà máy xi măng Điện Biên, các công trình thủy điện Nà Lơi, Thác Trắng, Nậm He, Nậm Mức và các dự án khai thác chế biến khoáng sản như chì kẽm, vàng đồng được triển khai góp phần đẩy nhanh tiến độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lợi thế về du lịch dịch vụ và kinh tế cửa khẩu từng bước được khai thác và phát huy có hiệu quả, hàng năm đã thu hút được từ 350 – 360 ngàn lượt du khách đến Điện Biên thăm quan, du lịch. Hoạt động đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực với sự tham gia của các thành phần kinh tế, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.273 tỷ đồng, trong đó vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh ước đạt 2.230 tỷ đồng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã phường có điện thoại và điểm bưu điện văn hóa xã; trung tâm các khu đô thị, thị tứ đã được phủ sóng điện thoại di động; 113 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 85% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 66,9% dân cư nông thôn được cấp nước sinh hoạt.
Các mặt đời sống văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm, quốc phòng an ninh được tăng cường và ổn định, quan hệ đối ngoại và hợp tác với các nước, đặc biệt là với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam Trung Quốc ngày càng được mở rộng và tăng cường. Đây là những tiền đề quan trọng và tạo đà cho sự phát triển vững chắc của tỉnh trong thời gian tới.
2. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẾN NĂM 2015
Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về dịch vụ du lịch, đất đai, thủy điện, rừng, khoáng sản, kinh tế cửa khẩu… Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm mới, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Trong đó các mục tiêu chủ yếu về kinh tế là:
– Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 12%/năm; trong đó: Nhịp độ phát triển bình quân khu vực nông nghiệp 5,1%; công nghiệp – xây dựng 17,5%; dịch vụ 14,5%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 1.100 USD. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế đạt: Nông lâm nghiệp 27,6%, công nghiệp xây dựng 33,1%; dịch vụ 39,3%.
– Quy hoạch và tập trung đầu tư để hình thành các vùng kinh tế trọng điểm gắn với việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phù hợp với lợi thế của mỗi vùng, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh quốc phòng.
– Tăng nhanh vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thực hiện đầu tư có trọng điểm, đồng thời đảm bảo tính cân đối giữa các địa bàn, cân đối giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Hoàn chỉnh một bước kết cấu hạ tầng, tập trung đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
IV. NỘI DUNG ĐỀ XUẤT THU HÚT HỢP TÁC ĐẦU TƯ VÀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ
1. NỘI DUNG ĐỀ XUẤT HỢP TÁC THU HÚT ĐẦU TƯ
Tỉnh Điện Biên kêu gọi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và các thành phần kinh tế đến tìm hiểu, khảo sát và tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, gồm:
1.1. Lĩnh vực Thương mại – du lịch
Khảo sát, xây dựng mở tuyến du lịch đường bộ thành phố Điện Biên Phủ – các tỉnh Bắc Lào – Thái Lan và ngược lại, để đưa đón, phục vụ khách du lịch quốc tế; khai thác tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa dân tộc và du lịch sinh thái.
Kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang, của khẩu Huổi Puốc, xây dựng các chợ biên giới. Phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng kho ngoại quan, khu chế biến tái chế hàng hóa xuất khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu.
1.2. Lĩnh vực Nông – lâm nghiệp
Khuyến khích, thu hút đầu tư vào các huyện có lợi thế về đất đai như: Huyện Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa để khai thác, phát triển các loại cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, chè, bông, cây cọc rào (chế biến dầu diesel sinh học), cây đậu tương, sản xuất và chế biến gạo đặc sản chất lượng cao, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung… Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến tìm kiếm, khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu giấy, gỗ, cao su, chè…
Nhà máy xi măng Điện Biên.
1.3. Lĩnh vực Công nghiệp
Tỉnh Điện Biên có các điểm mỏ khoáng sản phong phú, song chưa được nghiên cứu đánh giá về trữ lượng, chất lượng. Biên Biên kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản như: Sắt, nhôm – sắt, nguyên liệu khoáng sản.
Thu hút đầu tư trong việc nghiên cứu và triển khai thực hiện các dự án phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở nhà máy chế biến nông – lâm sản, dược liệu… nhất là loại cây có dầu và cây hương liệu trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích đầu tư sản xuất các loại vật liệu xây dựng và xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; khai thác và sản xuất than cốc phục vụ nhu cầu công nghiệp trong nước và xuất khẩu.
1.4. Về Y tế
Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển công tác xã hội hóa về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và khảo sát quy hoạch vùng trồng và sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh, trước mắt tập trung vào địa bàn T.P Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
1.5. Về Giáo dục và Đào tạo
Khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế kỹ thuật, thương mại du lịch, nông lâm nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong khu vực vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm hiểu nghiên cứu, khảo sát và lập dự án đầu tư, tỉnh Điện Biên cung cấp một số danh mục dự án cần các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh (Có danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư kèm theo)
2. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI HỖ TRỢ ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Toàn tỉnh Điện Biên (gồm tất cả các huyện và T.P Điện Biên Phủ) thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy, khi đầu tư vào tỉnh Điện Biên, các nhà đầu tư đều được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất theo quy định của Luật Đầu tư 2005 và các văn bản pháp lý liên quan.
a. Ưu đãi đầu tư
a.1. Ưu đãi về thuế
(1) Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư được thực hiện tại địa bàn tỉnh Điện Biên hoạch toán kinh tế độc lập và đăng ký nộp thuế doanh nghiệp kê khai, được hưởng mức thuế suất 10% áp dụng trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp các cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành, nghề lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và ảnh hưởng lớn về kinh tế xã hội của tỉnh cần được khuyến khích cao hơn, tỉnh Điện Biên sẽ trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cho phép được hưởng thuế suất 10% trong suất thời gian thực hiện dự án.
(2) Miễn thuế, giảm thuế:
– Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm được miễn thuế, giảm thuế như sau:
+ Được miễn thuế 02 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 02 năm tiếp theo đối với kinh doanh di chuyển địa điểm ra khỏi đô thị theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
+ Được miễn thuế 02 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 06 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh chuyển từ nơi khác đến địa bàn tỉnh Điện Biên phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
+ Được miễn thuế 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
– Cơ sở kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Điện Biên có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được, miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại như sau:
+ Được miễn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 03 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư vào ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư.
+ Được miễn 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư.
– Cơ sở kinh doanh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các phần thu nhập có được theo qui định.
– Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư góp vốn dưới các hình thức: Bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.
Cơ sở kinh doanh hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải, sử dụng từ 10 lao động đến 100 lao động nữ và số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ và lao động nữ chiếm 30% tổng số lao động thường xuyên của cơ sở kinh doanh được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với mức chi phí cho lao động nữ.
(3) Chuyển lỗ: Nhà đầu tư sau khi đã quyết toán thuế với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển lỗ và trừ vào thu nhập chịu thuế của những năm sau. Thời gian chuyển lỗ không quá 05 năm.
a.2. Ưu đãi về nhập khẩu:
Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư. Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư.
a.3. Khấu hao tài sản cố định:
Cơ sở kinh doanh được khấu hao nhanh đối với tài sản cố định; mức khấu hao tối đa là 02 lần mức khấu hao theo chế độ khấu hao tài sản cố định hiện hành của Nhà nước.
a.4. Ưu đãi về sử dụng đất:
– Ưu đãi về tiền sử dụng đất: Đối với dự án thuộc đối tượng giao đất: Được miễn tiền sử dụng đất trong suốt thời hạn của dự án đầu tư.
– Ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước: Đối với dự án thuê đất, thuê mặt nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm đối với dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm đối với dự án đầu tư vào ngành nghề không thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang được giảm thêm 50% giá thuê đất và thuê mặt nước khi hết thời hạn miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước.
b. Hỗ trợ đầu tư
b.1. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ:
Khuyến khích về việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nhiên liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; Khuyến khích việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng công nghệ.
b.2. Hỗ trợ đào tạo: Hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho việc đào tạo lao động trong các tổ chức kinh tế thông qua chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực của Chính phủ.
b.3. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng:
– Tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu kinh tế.
– Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng trong hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh Điện Biên hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp.
– Đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngoài khu kinh tế có địa điểm phù hợp với quy hoạch, tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của dự án, như: Cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông, bưu chính viễn thông.
b.4. Hỗ trợ tín dụng đầu tư:
Nhà đầu tư được hưởng tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu (nếu có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011):
– Tín dụng đầu tư gồm: cho vay đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư.
– Tín dụng xuất khẩu bao gồm: cho vay xuất khẩu (cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu nước ngoài vay).
b.5. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng: Tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trước khi giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất.
c. Về thủ tục đầu tư: Nhà đầu tư được hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất. Việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư tối đa không quá 7 ngày làm việc, cấp giấy chứng nhận đầu tư tối đa không quá 20 ngày làm việc được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Nhà đầu tư chỉ cần làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên để nhận Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án.
Với tiềm năng và cơ hội đầu tư còn rất lớn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhất quán, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cùng với sự trọng thị của các cấp, các ngành, địa phương tin tưởng rằng, Điện Biên sẽ là điểm đến hấp dẫn và là sự quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư những dự án có tính khả thi cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới.
VI. DANH MỤC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN