Share

Muốn ” cơ nghiệp hưng thịnh, gia đạo phú quý” học theo Phạm Lãi

Thành công trong kinh doanh là ao ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, trong cuộc sống khi mà các giá trị đạo đức bị xem nhẹ, thì những nhân tố chính yếu nhất quyết định thành bại lại bị coi thường. Xem lại gương thành công của người xưa mới thấy thấm nhiều đạo lý kinh doanh được xây dựng trên nền tảng làm người.

Đào Chu Công Phạm Lãi
phạm lãi

“Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trong văn hóa truyền thống đã bao hàm thành và tín. Không thành thì lấy gì đối nhân xử thế, không tín thì lấy gì mà lập thân ở đời. Thành tín là một chuẩn tắc làm người, đạo đức kinh doanh cũng xem đây là cốt lõi.

Lấy tín nghĩa làm trọng, chính là bản sắc buôn bán trung thực, ngay chính của người làm ăn. Trải qua bao nhiêu triều đại, xã hội nào cũng đều xuất hiện rất nhiều thương nhân thành tín trọng nghĩa, từ đó mà trở thành người giàu có, danh nổi một phương. Họ lấy tín, nghĩa, thành, nhân mà kinh doanh, vì thế mà luôn được ngợi ca, kết quả là “Cơ nghiệp ngày một hưng thịnh, gia đạo ngày một phú quý”.

Cái cân của Trung Quốc cổ đại, cơ chế 16 lượng, phân biệt lấy 16 hạt sao để đánh dấu, 6 lượng phía trước là 6 hạt sao Nam Đẩu, 7 lượng nữa là 6 hạt sao Bắc Đẩu, 3 lượng cuối cùng là 3 sao Phúc Lộc Thọ. Nam Đẩu chủ sinh, Bắc Đẩu chủ tử, Phúc Lộc Thọ chủ phúc khí, tài phú và thọ mệnh; hàm nghĩa của người xưa vô cùng rõ ràng, việc cân đo đong đếm nhất định liên quan đến sinh tử, khuyết cân thiếu lượng:

Thiếu một lượng thì giảm phúc, thiếu hai lượng thì giảm lộc, thiếu ba lượng thì giảm thọ. Cái cân này được cổ nhân lưu truyền cho tới ngày nay, với tư cách là cán cân chuẩn mực cho sự thành tín, kết tinh của tinh hoa văn hóa truyền thống.

Cái cân này được người xưa lưu truyền cho tới ngày nay, với tư cách là cán cân chuẩn mực cho sự thành tín, kết tinh của tinh hoa văn hóa truyền thống. (Fotolia)

Thành tín không lừa gạt là yếu tố cơ bản của việc duy trì thành công lâu dài trong kinh doanh. Người xưa có nói, hoạt động kinh doanh mẫu mực ấy chính là “Sự nghiệp Đào Chu“, sau là cần lấy “Phong thái Quản Bảo” làm tấm gương. Đối với khách hàng, thương gia, vô luận lớn nhỏ, đều nên dùng thành tín mà đối đãi.

Đào Chu ở đây chính là để nói đến Phạm Lãi.

Căn cứ theo sách sử ghi lại, Phạm Lãi lúc tuổi còn trẻ uyên bác tinh thông, bụng đầy kinh luân, không chỗ nào là không tinh tường, nhưng lại không được người đương quyền nước Sở trọng dụng.

Năm 496 TCN, nước Ngô và nước Việt xảy ra chiến tranh, Ngô vương Hạp Lư tử trận. Con của Hạp Lư là Phù Sai vì muốn báo thù cha, nên năm 494 TCN đã cùng nước Việt tại Phu Tiêu (nay là núi Động Đình, Thái Hồ, Giang Tô) quyết chiến. Việt Vương Câu Tiễn đại bại, còn sót lại 5000 quân lính phải trốn vào núi Hội Kê.

Phạm Lãi lúc này đang phò tá Việt Vương Câu Tiễn, vì vua bày mưu tính kế. Hơn hai mươi năm sau, Câu Tiễn cuối cùng khiến nước Ngô đại bại, Phù Sai phải tự vẫn. Việt Vương trở thành bá chủ thời kỳ mới là hậu Xuân Thu. Phạm Lãi được tôn là Thượng Tướng quân.

Biết rõ Câu Tiễn là người có thể chung hoạn nạn, nhưng lại khó cùng hưởng thái bình, Phạm Lãi đã chọn đường lui thân. Sau khi Câu Tiễn lên làm bá chủ, Phạm Lãi mang theo gia quyến, thân tín cùng tùy tùng lên thuyền rời đi, lênh đênh đến nước Tề, tự mình đổi tên thành “Xi Di Tử Da”, có nghĩa là “1 túi đựng rượu bị trục xuất vì phạm tội “. Đoàn của ông cùng khai hoang canh tác, đồng thời kinh doanh buôn bán. Không quá vài năm, tích lũy được mấy ngàn vạn gia sản.

Trở thành đại phú ông, nhưng Phạm Lãi trọng nghĩa khinh tài, thường làm việc thiện ở quê nhà. Về sau, Tề vương nghe nói, mời ông đến kinh thành, tấn phong làm Tướng quốc. Phạm Lãi cảm thán nói: “Làm quan đến tể tướng, gầy dựng gia sản có được nghìn vàng, đối với một người xuất thân là dân thường, vốn chỉ có hai bàn tay trắng mà nói thì đã là lên tới cực điểm, nếu sống hưởng thụ cái tôn danh mãi như vậy thì rằng không phải là điều tốt lành”.

Vì thế, sau ba năm làm Tướng quốc, lần nữa Phạm Lãi giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang, từ quan bỏ lại gia tài mà rời đi.

“Chỉ cùng quân vương chung khổ nạn, công thành liền lùi bước ra đi. Mặt hồ mênh mông sương khói dập dờn, ai người đầu tiên lên thuyền nhỏ”, những vần thơ mà Vương Thập Bằng viết để tán tụng Phạm Lãi.

Con đường kinh doanh của Phạm Lãi

Sau khi lặng lẽ rời khỏi nước Tề, Phạm Lãi lần này là lần di chuyển thứ ba, ông đi đến Đào (nay là tây bắc Định Đào, Sơn Đông), lần nữa khởi nghiệp kinh doanh. Phạm Lãi căn cứ vào thời tiết, khí hậu, dân tình, phong tục,…mà lập nghiệp tích gia sản. Trong vài năm, ông lại trở thành cự phú, lấy hiệu là “Đào Chu công“.

Bởi vì Phạm Lãi làm giàu có đạo, phú mà có thể nhân, cho nên được xưng là “Thương thánh”, cũng được coi là nho thương chi thuỷ tổ.

Sử gia Tư Mã Thiên ghi rằng: “Phạm Lãi dời chuyển ba lần đều có vinh hiển“, trong sử sách khác cũng khái quát Phạm Lãi bình sinh nói rằng:

“Làm ăn buôn bán phải dựa theo thời cơ chứ không phải đi cạnh tranh với người khác”.

Thế nhân ca tụng ông là người “lấy lòng trung phụng sự quốc gia, biết dùng trí để giữ thân, biết kinh doanh nên giàu có, từ đó mà danh nổi tại thiên hạ”.

Phạm Lãi kinh doanh coi trọng nhân nghĩa, cũng không hám lợi; đối với người hợp tác cùng, ông khiêm tốn nhún nhường; đối với người làm thuê thì rộng rãi hào phóng; gặp phải năm không may giảm sản lượng, thì miễn giảm địa tô, còn phát chuẩn cứu tế. Trong kinh doanh, ông và nông dân, thương nhân đầu năm ký kết hiệp ước thu mua thương phẩm; đến cuối năm, nếu như giá cả thương phẩm tăng lên, Phạm Lãi liền chiếu theo giá cả hiện tại của thị trường cuối năm mà thu mua; nếu như giá xuống, ông vẫn nghiêm khắc thực hiện hiệp ước.

Bởi vậy, Phạm Lãi thu phục được nhân tâm của phần đông thương nhân, nông dân và thợ thủ công, nhờ thế mà có được lượng đối tác làm ăn ổn định. Cũng vì ông chân thành trong hợp tác, tổng giá thành sản phẩm cũng giảm xuống rất nhiều, cuối cùng đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.

Ông cũng trọng tín nghĩa. Một lần, Phạm Lãi kinh doanh xoay vòng vốn gặp khó khăn, phải vay một phú hộ 10 vạn tiền. Một năm sau, phú hộ mang khế ước vay tiền đến đòi nợ, trên đường đi tay nải không cẩn thận nên rớt xuống nước, khế ước vay tiền và lộ phí cũng bị mất, vì vậy phải tìm Phạm Lãi nương nhờ. Dù không có khế ước, nhưng Phạm Lãi không chỉ trả lại cả vốn lẫn lời, mà còn đưa thêm tiền lộ phí. Danh tiếng về nhân tín của Phạm Lãi truyền rộng khắp thiên hạ. Trong việc kinh doanh sau này, tất cả phú hộ đều sẵn lòng chủ động đến đưa tiền, giúp Phạm Lãi vượt qua khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra, ông còn vô điều kiện mà đem kinh nghiệm làm ăn, nuôi dưỡng kỹ thuật đợi truyền thụ cho người khác. Ví dụ như trong “Tề dân yếu thuật” có ghi lại chuyện về một chàng trai nghèo tên Y Đốn từng đến gặp Phạm Lãi thỉnh giáo thuật làm giàu, Phạm Lãi liền chỉ cho anh ta nuôi năm loại gia súc. Quả nhiên, Y Đốn làm giàu rất nhanh.

Vì thế trong kinh doanh, Phạm Lãi là:

“Người giàu có luôn hành sự theo đức, hết sức chú trọng đạo đức và đạo nghĩa. Trong 19 năm, ông 3 lần đạt được sự giàu có tột bậc nhưng cũng  3 lần đem hết của cải bạc tiền phát cho người nghèo và họ hàng không thân thiết, bản thân ông không vì tiền tài mà lao tâm”.

Phạm Lãi trị quốc thì quốc thịnh, trị gia thì gia phú, còn không màng danh lợi, giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang. Vương Thập Bằng (Đại Tống) từng làm thơ tán dương ông, rằng

“Chỉ cùng quân vương chung khổ nạn, công thành liền lùi bước ra đi. Mặt hồ mênh mông sương khói dập dờn, ai người đầu tiên lên thuyền nhỏ”.

Bí Mật 16 Nguyên Tắc Kinh Doanh Tột Bực Của Đào Chu Công Phạm Lãi

Trong suốt quãng đời ẩn danh, mưu sinh bằng nghề buôn, ông đã đúc kết cho mình và cho thiên hạ được 16 nguyên tắc kinh doanh hết sức quý giá truyền lại cho đến nay. Sách cổ Trung Hoa sau này ghi lại với tựa là “Đào Chu Công lý tài thập lục tắc” – nghĩa tạm dịch là “Mười sáu nguyên tắc mua bán của Đào Chu Công”.

Mười sáu quy tắc kinh doanh được phân chia thành ba mục cụ thể rõ ràng.

16 Nguyên tắc Kinh Doanh

VỀ CON NGƯỜI:

1. Sinh ý yếu cần khẩn:

Kinh doanh cần phải cần cù siêng năng, công việc phải luôn luôn khẩn trương thực hiện mới đạt hiệu quả cao. Do là công việc quan trọng liên quan cơm áo, gạo tiền…(sinh ý = cầu ý chí kiếm sống, hay sinh tồn, tồn tại…) nên cần phải cần cù và khẩn trương, thiết nghĩ không còn gì đúng hơn thế nữa…

2. Dụng độ yếu tiết kiệm:

Chi dụng hàng ngày và mọi phí tổn phải chú ý tiết kiệm và có lợi nhất. Người làm thương mại dịch vụ chủ yếu lấy công làm lời nên việc tích tiểu thành đại, góp gió thành bão bao giờ cũng ưu tiên. Những kẻ đại gia thời nay đa số vẫn là những người cần kiệm, họ không bao giờ hoang phí nên cũng là một yếu tố giúp họ ngày một giàu thêm hơn nữa…

3. Tiếp nạp yếu khiêm hoà:

Khi giao tiếp, thương lượng cần phải khiêm tốn, cung kính, hoà nhã. Người làm kinh doanh bao giờ cũng quan trọng thể diện và uy tín, nên giữ bộ mặt và sĩ diện của mình hết sức quan trọng, tránh lệ thuộc đua chen hoặc mang tiếng là phô trương thái quá, thiếu khiêm tốn và hách dịch, quan liêu, thất lễ…

VỀ PHƯƠNG THỨC KINH DOANH

4. Mãi mại yếu tuỳ thời:

Làm kinh doanh, mua bán phải tùy theo thời điểm mà kinh doanh, không được dự đoán sai nhu cầu thị trường hoặc mua bán sau đuôi thiên hạ. Những dự báo sai bao giờ cũng đưa đến kết quả thảm hại, sai một ly đi một dặm…

5. Vượng khiếm yếu thức nhân:

Phải biết rõ nhân viên và đối tác giàu hay nghèo, tránh tình trạng thâm lạm công quỹ, dây dưa công nợ, gây ra nợ khó đòi hoặc thất thoát do hoàn cảnh túng bần họ làm liều.

6. Trương mục yếu kê tra:

Tài khoản, sổ sách, hồ sơ khách hàng, hàng hoá trong kho, trong thuyền, trên xe hoặc nguồn nguyên liệu, vật liệu phải thường xuyên kê khai, công khai tài chính và số liệu, đảm bảo tra xét chu đáo rõ ràng nhằm vừa quản lý tốt, vừa dự báo tình hình chính xác, vừa chống thất thoát, vừa chuẩn bị kịp thời cho các kế hoạch làm việc sắp tới…Tránh bê bối sổ sách, thâm hụt ngân quỹ, thất thoát tài sản, hư hao lãng phí…

7. Ưu liệt yếu phân biệt:

Phàm làm chủ phải có cặp mắt xét đoán, biết nhìn người và phân biệt thị phi, trắng đen rõ ràng; phải biết phân biệt và xét đoán kẻ tốt người xấu để tuyển dụng, uỷ quyền, tổ chức công việc và phân công nhân viên, phải biết nhìn người để lựa chọn đối tác đàng hoàng nghiêm chỉnh, tránh chọn nhầm đối tác xấu có thể gây tác hại lớn khi giao dịch; phải biết ưu điểm và khuyết điểm của nhân sự dưới quyền, thế mạnh và thói xấu của những người xung quanh nhằm tránh giao sai người thiếu năng lực, sai việc, sai địa điểm, sai trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

8. Dụng nhân yếu phương chính:

Dùng người tâm phúc hoặc thuộc cấp trong tổ chức phải là những người phương cương chính trực,có tài đức, ngay thẳng để vừa giúp mình giữ gìn kỷ luật, giúp làm gương cho người xung quanh tránh tiêu cực, bè lũ, phe phái gây mất đoàn kết, gây thiệt hại trong quản lý điều hành.

9. Xuất nhập yếu cẩn thận:

Hàng hoá, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải cẩn thận, ghi chép, lưu trữ phải chính xác. Phải có công cụ và phương tiện lưu trữ, bảo quản tránh cháy, nổ, hư hỏng. công tác xuất nhập phải được đối chiếu thường xuyên, cần chính xác tránh gây sai lệch, thất thoát hoặc tạo điều kịên cho kẻ xấu lợi dụng.

10. Hoá sắc yếu diện nghiệm:

Hàng hoá muốn mua, nhập kho phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay. Phải đat tiêu chuẩn tra xét, kiểm soát, kiểm nghiệm nhằm tránh mua trâu vẽ bóng hoặc mua hàng kém chất lượng.

11. Kỳ hạn yếu ước định:

Làm ăn phải coi trọng chữ tín, đúng kỳ hạn tránh tình trạng bị phạt hay bồi thường vì trễ hẹn.

12. Tồn lưu yếu kiểm soát:

Hàng hoá trong kho bãi phải được kiểm soát, bảo vệ che đậy, tránh thất thoát, mất trộm, hư hỏng vì mưa nắng, thời tiết nóng ẩm, lũ lụt…

VỀ XÃ HỘI

13. Nha môn yếu thông giám:

Làm ăn bất kỳ nơi đâu phải hiểu biết luật pháp, thuế suất, đặt quan hệ quen biết với cơ quan công quyền nhằm tạo thuận lợi cho việc kê khai giấy tờ, hàng hoá. Việc thông qua cơ quan công quyền để họ giám sát việc kinh doanh là một bước đi khôn ngoan để có thể thăm dò tình hình, tin tức chính trị xã hội nhằm có đối sách thích hợp. Mặt khác, mối quen biết có thể tạo tiền đề cho những lúc cần giải cứu về rắc rối luật pháp trong kinh doanh hoặc tạo vỏ bọc bảo vệ an toàn cho chính doanh nghiệp.

14 Thịnh vượng yếu tích đức:

Càng phát đạt thì phải càng tích đức hành thiện, vừa làm quảng cáo cho sản phẩm vừa tạo quan hệ tốt đẹp với cộng đồng, nhằm lôi kéo thiện cảm của cộng đồng để họ ủng hộ thương hiệu và sản phẩm.

15 Dụng vốn yếu tương hỗ:

Buôn có bạn, bán có phường. Đối với đối tác kinh doanh cùng ngành nghề nên có sự hợp tác mật thiết, nên giúp đỡ lẫn nhau về vốn tài chính, để dễ mượn thị trường hoặc bạn hàng. Hoặc những khi hàng hoá, thị trường bị thiếu hụt, có thể hỗ trợ lẫn nhau. Mặt khác, thương hội có thể tạo điều kiện xúc tiến thương mại ở những nơi xa lạ.

16. Xử thế yếu độ lượng:

Đối xử thuộc hạ phải độ lượng, làm công tác tư tưởng và động viên thường xuyên để họ trung thành và cống hiên sức lực và tài trí. Những khi thuộc cấp phạm lỗi thường khen trước chê sau, xử sự nhẹ nhàng thấu tình đạt lý để họ tâm phục khẩu phục. Giữ vững đội ngũ nhân sự ổn định dưới quyền chính là giữ vững sự phát triền bền lâu cho chính cơ ngơi của mình.

Lê Văn Tư, tổng hợp

Nguồn: sưu tầm

Leave a Comment