Share

Cuộc hành trình về miền chè Tuyết Shan Cổ Thụ Tủa Chùa

Chè Tuyết Shan Tủa Chùa

Trước hành trình về vùng chè cổ, dù đã tìm hiểu về vùng chè cổ thụ Tủa Chùa từ những người làm chè lâu năm, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể về vùng chè cổ ấy như thế nào để có một hình dung sơ lược về nó. Chúng tôi lên đường theo trí tưởng tượng cho đến khi đặt chân đến thành phố Điện Biên, và hình ảnh chè Tủa Chùa đầu tiên từ tấm pano về cây chè cổ thụ của công ty cổ phần giống Nông Nghiệp Điện Biên khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng: Một cây chè cổ ngoài sức tưởng tượng, thân to gần 3 người ôm, cao vút, cành nhánh khỏe khoắn vươn dài nhả đầy búp non xanh mướt, mọc trong vùng núi đá huyện Tủa Chùa, giáp Lai Châu và Sơn La.

Đường lên Tủa Chùa

  • Sáng sớm,từ Điện Biên, chúng tôi khởi hành với đồ nghề lên Tủa Chùa như một chuyến đi rừng dài ngày thực sự. Con đường từ Điện Biên xuống Tuần Giáo thật êm ái, nhưng vào gần đến Huổi Lóng, đường xấu dần, ngập đầy bùn, hậu quả của cơn mưa rừng nặng hạt đêm trước. Xe kẹt lại, chờ đợi thông đường, lại đi, lại mắc kẹt ở những đoạn sình lầy khác. Bù lại thời gian chờ đợi là cảnh đẹp của những vực sâu phủ đầy mây núi, thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa nước đổ. 
  • Chúng tôi ngấm dần cái cảm giác gian khổ của hành trình lên Tủa Chùa của người làm chè Điện Biên. Xe cứ lắc lư trên cung đường đèo đoạn trơn trượt, đoạn đầy đá lởm chởm, chúng tôi thay phiên nhau lên xuống đẩy phụ xe qua những đoạn hiểm trở, cây chè cổ vẫn còn ở đâu đó xa lắm. Dốc đá cao dần, lại là một cái bẫy khi lần lượt xẻ nát hai chiếc lốp xe, lại hì hụi đánh vật thay xăm lốp mới có thể tiếp tục lên đường. Đến được vùng trà cổ đầu tiên của Tủa Chùa ở Tả Sìn Thàng, trời đã sập tối, nhìn lại, chúng tôi mất 11 giờ đi đường, người lấm lem bùn đất. Một trải nghiệm ngoài sức tưởng tượng với đường lên vùng chè cổ Tủa Chùa.

Dấu ấn Tả Sìn Thàng

  • Trời tháng 6 sụp tối thật nhanh, người mệt nhoài sau một ngày dài vất vưởng theo xe tải, chúng tôi cần một chỗ nghỉ chân qua đêm ở Tả Sìn Thàng để lấy sức cho hành trình hôm sau đến khu vực có nhiều cây trà cổ nhất của Tủa Chùa, cách Tả SìnThàng gần 10 cây số. Nhờ mối quan hệ của người dẫn đường tốt bụng, chúng tôi được một gia đình người Xạ Phạng mời về nhà ăn bữa tối và có dịp tìm hiểu thêm về những nét văn hóa của tộc người Xạ Phạng ở Tủa Chùa.
  • Gia chủ Lò Lam Ngai, một bà lão Xạ Phạng đã bước sang tuổi 84, sống cùng 3 thế hệ con cháu chắt trong ngôi nhà gỗ ven đường ngay trung tâm xã. Bữa cơm tối gia đình được dọn lên, với món chính là thịt heo được gia chủ giới thiệu đã để trên gác bếp hơn 20 ngày. Nhất cho biết: “Với người Xạ Phạng, hay còn gọi là người Phạng Khoang, phải mến khách lắm họ mới đưa thịt heo gác bếp ra mời dùng bữa, bởi ở vùng cao đầy thiếu thốn này, thịt heo là món ngon xa xỉ, cách tẩm ướp món thịt cũng rất độc đáo, dùng trữ trong nhà ăn dần hàng tháng mà không bị hư”.
  • Bữa cơm xua tan đi những mệt nhọc của đường xa. Sau bữa tối, gia chủ mời chén chè Tủa Chùa hái từ vùng chè cổ, chúng tôi nhận ngay ra một nét khác biệt của chè Tủa Chùa, ấy là màu nước đỏ, sánh như thứ mật ong rừng, vị chát rất nhẹ, kéo ngay sau là hậu ngọt thanh êm dịu tràn nơi cuống họng. Câu chuyện chuyển hướng sang cây chè cổ thụ, nhưng những người Xạ Phạng chúng tôi gặp hôm ấy chẳng ai biết nó có từ bao giờ. Cụ Ngai kể rằng từ thủa bé ông bà kể lại đã có cây chè, khi biết nhớ đã thấy hình bóng cây chè cổ thụ cao đôi ba chục mét, thân to một hai người ôm.
  • ​Đêm ấy, nằm trong gối chăn được chuẩn bị hết sức chu đáo, ngăn nắp, như một kiểu bày tỏ lòng hiếu khách của người miền cao Tủa Chùa, chúng tôi thầm cảm ơn gia đình người Xạ Phạng đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng đẹp, khó phai trong suốt hành trình về miền chè cổ.

Ghi chú : Trong danh mục các dân tộc Việt Nam, người Xạ Phạng thuộc nhóm dân tộc Hoa (Hán). Nhóm người Hoa ở Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm ngũ bang gồm: Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ, bên cạnh đó còn một nhóm thiểu số nhỏ khác là người Xạ Phạng. Người Xạ Phạng sống chủ yếu ở vùng núi phía Bắc thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Nguồn: Bài Lâm Phong Con đường trà Việt

Leave a Comment